Thương hiệu bánh bao 狗不理 không chỉ là đặc sản riêng ở Thiên Tân mà còn là thương hiệu đồ ăn nổi tiếng toàn đất nước Trung Quốc. Muốn tìm hiểu vì sao ông chủ của thương hiệu bánh bao này lại chọn cái tên 狗不理, chúng ta hãy tìm về thời đại Hoàng đế Đồng Trị triều Thanh hơn một trăm năm trước.
Năm 1858, thôn Dương huyện Vũ Thanh Hà Bắc có một người tên Cao Quý Hữu. Cha mất sớm, người mẹ góa chồng đặt Cao Quý Hữu cái tên " Cẩu tử " với hy vọng cậu bé sẽ dễ ăn dễ ngủ, nhanh chóng phổng phao như những chú cún con. ( Theo tập tục của người phương Bắc, cái tên này còn bao hàm ý nghĩa tình yêu và lòng trung thực)
Năm 14 tuổi, Cẩu Tử được đưa đến tiệm bánh hấp Lưu Gia ở Thiên Tân học nghề. Với bản tính nhanh nhẹn tháo vát cộng thêm đôi tay khéo léo và những lời chỉ dạy tỉ mỉ của sư phụ, trình độ làm bánh bao của Cao Quý Hữu ngày một nâng cao, chẳng bao lâu đã nổi tiếng.
3 năm học nghề trôi qua, Cao Quý Hữu có thể nói đã tinh thông mọi kĩ thuật làm bánh bao, và tự mình mở một tiệm nhỏ tên là : Đắc tập hiệu. Anh tỉ mỉ làm nhân bánh với tỉ lệ thịt lợn mỡ 3 nạc 7, thêm vừa đủ nước, hương liệu, tương đậu nành đặc chế, gừng, hành lá, bột ngọt... Vỏ bánh bao của Cao Quý Hữu dùng bột 半发, nhào nặn nhiều lần rồi cán ra thành miếng tròn dày khoảng 8.5mm. Lúc gói nhân bánh cũng yêu cầu dùng lực tinh tế, lúc cần mạnh phải mạnh, lúc cần nhẹ phải nhẹ, mỗi chiếc bánh bao gói xong phải có 15 vân xoắn đồng đều, tạo hình như một bông cúc trắng. Cuối cùng mới đến giai đoạn đốt lò và hấp bánh.
Bánh bao của Cao Quý Hữu tạo hình đẹp như bông cúc trắng, đưa lên miệng cảm nhận được ngay sự mềm mại của vỏ, lưỡi chạm vào nhân là thấy hương ngào ngạt thơm phức, ai ai cũng tấm tắc khen ngon. Tiếng lành đồn xa, chẳng mấy chốc Cao Quý Hữu đã nổi tiếng toàn thành Thiên Tân. Trước đây khách ít, anh còn nhẩn nha vừa bán vừa trò chuyện với khách, giờ khách đến ăn càng ngày càng đông, Cao Quý Hữu bận làm bánh đến nỗi mồ hôi trên trán còn không kịp quệt chứ đừng nói việc đàm đạo với người ta. Khách thấy vậy cùng trêu : "Cẩu Tử mải bán bánh bao, chẳng thèm quan tâm đến khách hàng". Rồi cứ thế cứ thế, người ta quen gọi Cao Quý Hữu là "Cẩu tử không quan tâm" hay "Cẩu bất lí", và bánh bao của anh cũng được gọi là "Bánh bao Cẩu bất lí". Cái tên Đắc tập hiệu chẳng còn được nhắc đến bao giờ nữa.
Đồn rằng, khi Viên Thế Khải đến Thiên Tân điều hành việc luyện tập của các binh sĩ mới đã chọn Bánh bao Cẩu bất lí làm cống phẩm gửi về kinh dâng Từ Hy Thái Hậu. Từ Hy Thái Hậu nếm xong nói lớn: "Cao lương mĩ vị chim trời cá biển đều không ngon bằng loại bánh bao này, đây mới là đồ ăn trường thọ".
Từ đó, bánh bao Cẩu bất lí vang danh thiên hạ, các chi nhánh gần xa dần dần được mở rộng.
Nếu mới nghe về bánh bao Cẩu bất lí, có người sẽ chỉ nhìn vào ba chữ 狗不理 mà bất giác dịch ra rằng : "Chó không thèm". Đó có thể là một sai lầm tai hại, và cũng có thể đặt ra một câu hỏi thú vị : "Tại sao bánh bao chó cũng không thèm ăn mà Từ Hy Thái Hậu lại khen ngon thế?" Hy vọng câu chuyện này sẽ giải đáp những khúc mắc trong cái tên của thương hiệu bánh bao nổi tiếng Trung Hoa này.
Thương hiệu bánh bao này hiện nay có tên tiếng anh là Go believe, một cái tên đặt theo phiên âm Trung Quốc, tuy không truyền tải ý nghĩa của lịch sử nhưng vẫn rất hay.
(C) Tri Nguyen - Baidu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét